Quân đội Trung Quốc có tổng số 850.000 quân nhân, trong đó hải quân và không quân có lần lượt 235.000 và 398.000 quân nhân, Trung Quốc tuyên bố trong sách trắng vừa công bố.
Sách trắng cũng chỉ trích Mỹ mở rộng hiện diện quân đội ở châu Á – Thái Bình Dương, nói rằng điều đó sẽ làm trầm trọng căng thẳng trong khu vực.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 11,2% trong năm 2012 lên hơn 100 tỷ USD.
Quân đội Trung Quốc có 850.000 sĩ quan
Báo chí nhà nước Trung Quốc nói rằng đây là lần thứ 8 Trung Quốc xuất bản sách trắng quốc phòng, kể từ năm 1998, và nhấn mạnh “cam kết quốc gia không thể lay chuyển…trên con đường hướng tới phát triển hòa bình”.
Tuy nhiên, sách cũng nhấn mạnh “nhiều đe dọa an ninh phức tạp” mà Trung Quốc đang phải đối mặt, và Trung Quốc cần bảo vệ sự “thống nhất quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích phát triển”.
Theo một số ý kiến, việc công bố cấu trúc quân đội trong sách trắng có thể là nỗ lực nhằm trở nên minh bạch hơn.
Quân đội Trung Quốc gồm 18 quân đoàn thuộc 7 bộ chỉ huy quân sự cấp vùng: Bắc Kinh, Nam Kinh, Thành Đô, Quảng Châu, Thẩm Dương, Lan Châu và Tế Nam.
Lực lượng không quân gồm 398.000 người và có bộ chỉ huy không quân trong 7 khu vực quân sự. Hải quân nước này gồm 3 hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Tài liệu này cho biết lực lượng pháo binh của Trung Quốc bao gồm lực lượng tên lửa truyền thống và hạt nhân. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong “chiến lược răn đe” của Trung Quốc và “có trách nhiệm chính là ngăn ngừa các nước sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc, thực hiện phản công hạt nhân và tấn công bằng tên lửa thông thường”.
“Mỹ đang điều chỉnh chiến lược an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, cuốn sách viết, và rằng “Mỹ đang củng cố đồng minh quân sự trong khu vực này... thường khiến tình hình ở đây trở nên căng thẳng hơn”.
Trong những năm gần đây, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á để thực hiện chiến lược “trọng tâm châu Á” của Tổng thống Obama.
Đảo Sensaku/Điếu Ngư đang là tâm điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Sách trắng cũng nhấn mạnh “các vấn đề ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển” của Trung Quốc, chỉ trích Nhật Bản “gây hấn trên quần đảo Điếu Ngư”.
Quần đảo mà Nhật Bản gọi là Sensaku và Trung Quốc gọi là Điều Ngư đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Theo cuốn sách, “các lực lượng ly khai đòi độc lập ở Đài Loan” là nguy cơ lớn nhất đối với quan hệ liên eo biển.