Cuốn sách “Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam” (tạm dịch: Bắn bất kỳ thứ gì chuyển động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam) của Nick Turse, nhà báo Mỹ nổi tiếng và là người quản lý trang TomDispatch.com (chuyên cung cấp cách nhìn về các sự kiện lịch sử khác với tài liệu chính thống) vừa được xuất bản.
Tiếp theo một số bài báo trước đây của Nick Turse, cuốn sách đưa ra những tư liệu cho thấy, những vụ hiếp dâm hàng loạt, tra tấn, xẻo thịt và giết hại dân thường Việt Nam – không chỉ vụ thảm sát Mỹ Lai năm 1968 khiến hơn 500 dân thường bị giết - không phải hành động lầm lạc trong những giờ phút thiếu suy nghĩ, mà là chính sách có hệ thống trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ thời đó.
Theo Nick Turse, cuộc thảm sát Mỹ Lai không phải sự cố bất thường, mà là chiến dịch thực hiện theo chính sách của Mỹ.
Cuốn sách ra đời một cách tình cờ. Năm 2001, trong khi nghiên cứu về tình trạng rối loạn hậu chấn thương, một buổi Nick Turse lang thang trong thư viện quốc gia, một nhân viên thư viện đã hỏi anh: Liệu việc chứng kiến những hành động tội ác trong chiến tranh có thể gây ra rối loạn hậu chấn thương không? Turse trước đó chưa từng nghĩ về vấn đề này, nhưng nhân viên đó dẫn Turse tới chỗ để những tài liệu đã ố vàng của Nhóm công tác về tội ác trong chiến tranh Việt Nam. Nhóm bí mật này được thành lập sau vụ thảm sát Mỹ Lai.
Tài liệu bị lãng quên của Nhóm công tác là cả kho vàng nên Turse nghiên cứu rất tỉ mỉ. Điều đầu tiên mà anh biết được là nhiệm vụ của nhóm không phải để ngăn chặn tội ác chiến tranh tương tự trong tương lai, mà để bảo đảm rằng quân đội không gặp phải một vụ bê bối tội tác chiến tranh nào ngoài dự tính. Đó là lý do mà hàng trăm tài liệu về chiến tranh ở tòa án đã bị hủy hoặc mất tích.
Turse cũng biết được rằng quân đội đã thành công trong việc tuyên truyền không đúng sự thật rằng thảm họa Mỹ Lai chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Theo tài liệu mà Turse có được, Mỹ Lai là “một chiến dịch, không phải sự lầm lạc”. Trong những năm Mỹ dính líu đến Việt Nam, số liệu ước tính khiêm tốn nhất cho thấy 3 triệu người chết vì bạo lực, trong đó 2 triệu người là dân thường.
Không chỉ nghiên cứu trong thư viện, Turse còn phỏng vấn rất nhiều tướng lĩnh và quan chức dân sự cao cấp, các nhà điều tra tội phạm, cựu chiến binh từng chứng kiến hoặc phạm tội ác tàn bạo. Turse cũng đã đến Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn những người sống sót từ cuộc chiến.
“Hàng trăm báo cáo mà tôi tập hợp được cùng với hàng trăm nhân chứng tôi từng phỏng vấn ở Mỹ và Đông Nam Á cho thấy một điều rõ ràng rằng, việc giết hại dân thường - dù một cách máu lạnh như ở Mỹ Lai hay một cách bàng quan vô cảm như trận phục kích ở Binh Long – đều rất phổ biến, diễn ra thường xuyên, và xuất phát từ chính sách chỉ huy của Mỹ.
Tuy nhiên, theo Turse, chỉ có vài người phải ra tòa hoặc bị trừng phạt vì tội ác gây nên quá nhiều cái chết của dân thường.
Cuốn sách được xuất bản trong bối cảnh hai ứng viên được Tổng thống Mỹ lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đều liên quan đến chiến tranh Việt Nam.
Nếu được Thượng viện đồng ý, ông Chuck Hagel sẽ trở thành cựu chiến binh Việt Nam lãnh đạo Lầu Năm Góc, còn ông John Kerry sẽ dẫn dắt Bộ Ngoại giao sau thời gian dài là cựu chiến binh hăng hái phản đối chiến tranh Việt Nam. Dù cuộc chiến đã lùi xa sau lưng họ, ông Kerry và Hagel vẫn còn cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ tại Afghanistan.