Lo gà lậu trà trộn vào trang trại
Dịp tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013, 5 triệu con gà Bắc Giang sẽ được cung cấp cho thị trường Hà Nội. Người chăn nuôi có cơ hội “gỡ gạc” lại vốn sau quãng thời gian dài giá gà thấp vì hàng lậu tràn ngập. Tuy nhiên, gà đồi “lên ngôi” khiến nhiều người lo ngại tình trạng gà lậu trà trộn “đội lốt” gà Yên Thế.
Theo khảo sát của PV, tổng đàn gia cầm hiện tại trên địa bàn huyện suy giảm hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân, theo các hộ dân chăn nuôi, thời gian trước giá bán thấp, nhiều người lỗ nặng. Từ tháng 12/2012, gà được giá, nhiều hộ đẩy mạnh bán ra. UBND huyện Yên Thế cũng cho biết, lượng gà đủ tuổi xuất bán vào dịp tết nguyên đán chỉ có thể đáp ứng khoảng 2,5 triệu con. Số gà còn lại để cung cấp đủ cho thị trường Hà Nội phải huy động ở các huyện khác.
Người chăn nuôi lo ngại thương lái ham lãi trà trộn gà lậu vào đàn gà Yên Thế
Anh Hà Văn Dũng ở xã Đồng Tâm lo ngại rằng, rất có thể những thương lái vì ham lãi cao mà lợi dụng thương hiệu gà đồi Yên Thế để tiêu thụ gà lậu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến đầu ra của người chăn nuôi Yên Thế.
Chung quan điểm với anh Nghị, theo anh Trần Văn Thảo ở xã Đồng Tâm, người chăn nuôi không chỉ muốn bán gà cho thị trường Hà Nội năm nay mà còn nhiều năm khác về sau. Do vậy, chỉ cần một vài vụ việc gà lậu đội lốt gà Yên Thế có thể làm người chăn nuôi mất thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Thế lo ngại các hộ nông dân và thương lái có thể đưa gà lậu vào trang trại trước khi ra thị trường. Do vậy, huyện cử cán bộ thú y “cắm chốt” ngay tại các xã để theo dõi, nắm bắt tình hình. Khi bán gà ra thị trường, cán bộ thú y sẽ trực tiếp kiểm tra chất lượng gà để tránh tình trạng xuất gà không đủ tiêu chuẩn. “Nếu phát hiện trường hợp nào cố ý vi phạm, cả người chăn nuôi và cán bộ thú y sẽ bi truy cứu trách nhiệm và có hình phạt đích đáng”, bà Xuân cho biết.
Người tiêu dùng lo gà không rõ nguồn gốc được đưa vào "nuôi nóng" để lấy lời (Ảnh: gà Yên Thế trong thời kỳ úm)
Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - ông Lưu Xuân Vượng chỉ đạo các đơn vị liên quan của huyện điều tra nắm bắt các tụ điểm tập kết gia cầm lậu; ngăn chặn các hành vi vận chuyển gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc. Riêng với công an và đội quản lý thị trường của huyện, cần phát hiện sớm thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng buôn bán.
Dán tem vào lồng gà khó khả thi
Để đảm bảo cung ứng được gà sạch, chất lượng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vừa quyết định dán tem lên từng… lồng gà sống và từng con gà đã qua chế biến. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, gà trước khi xuất bán phải được dán tem nhãn rõ ràng. Tuy nhiên, với gà còn sống, gắn tem lên xe vận chuyển và lên lồng gà. Bà Xuân cho biết thêm, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi thời gian quá gấp, số lượng gà nhiều nên không thể dán tem vào từng chân con gà như ý định ban đầu.
Mục đích của việc dán tem nhằm khẳng định “chính chủ” gà đồi Yên Thế
Mục đích của việc dán tem nhằm khẳng định “chính chủ” gà đồi Yên Thế, phân biệt với các loại gà khác. Việc dán tem cho gà còn sống sẽ được thực hiện ngay tại trang trại của các hộ chăn nuôi trước khi xuất bán. “Cứ 10 con gà cho vào một lồng, tem sẽ được cơ quan có thẩm quyền Nhà nước dán lên cửa miệng lồng, khi mở lồng gà ra, tem sẽ rách, mất giá trị”, bà Xuân nói.
Công ty Giang Sơn (có cơ sở sản xuất tại huyện Yên Thế) sẽ làm đầu mối bán gà Yên Thế tại văn phòng đại diện ở chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội). Công ty này được cấp một số tem nhãn để khi sang lồng, có trách nhiệm dán tem hàng cho những đơn vị đến lấy.
Gà đồi Yên Thế đặc trưng, chân vàng, lông vàng pha đỏ tía, mào đỏ tươi
Theo tìm hiểu của PV, còn nhiều ý kiến chưa đồng tình với cách làm này bởi khi gà về đến các chợ các tiểu thương sẽ "phá lẻ” lồng gà để bán cho người tiêu dùng. Khi đó, từng con gà Yên Thế thật hay giả sẽ khó để phân biệt. Còn người mua, hoàn toàn bị tung hỏa mù “vàng thau lẫn lộn” vì không phân biệt được đâu gà Yên Thế, đâu là gà lậu.