Cơ chế trên có từ Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, ban hàng ngày 4/5/2012, quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
4 nhóm nhu cầu này bao gồm: phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với những cơ sở tham chiếu để xác định đối tượng cụ thể…
Ban đầu, cơ chế đó xác định trần lãi suất cho vay theo trần lãi suất huy động cộng với 3%/năm, thành 15%/năm. Sau đó, mức trần này lần lượt hạ xuống còn 14%/năm và hiện là 13%/năm.
Trên thực tế, trong điều kiện bình thường, với các khoản vay có mức rủi ro cao hơn ngân hàng sẽ áp lãi suất cao hơn.
Cơ chế áp trần lãi suất cho vay theo Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước là đặc biệt, vì nó được áp riêng cho một nhóm các đối tượng thay vì cho mọi nhu cầu vay. Việc áp trần ở đây có thể xem là một chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất…
Ý kiến của nhóm công tác ngân hàng tại VBF cũng nhìn nhận: “Chúng tôi hiểu rằng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giảm chi phí vốn cho các ngành kinh tế đang chịu nhiều sức ép”.
Tuy nhiên, phân tích mà nhóm công tác đưa ra cho thấy Thông tư 14 có thể lại gây hiệu quả ngược.
“Chúng tôi cũng lo ngại rằng biện pháp hành chính này sẽ dẫn tới tình trạng các ngân hàng cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực trên so với trước, vì ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu hơn”, báo cáo của nhóm công tác ngân hàng viết.
Đáng chú ý là họ đưa ra một lập luận mang tính kỹ thuật và là nguyên tắc trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại nói chung để nói về sự “không ổn” của Thông tư 14.
“Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng của Chính phủ đã xác định đúng nhu cầu của ngân hàng phải áp dụng các quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ hơn, trong đó có quy định về định giá khoản vay theo mức rủi ro tương ứng. Nhưng Thông tư 14 đã khiến cho ngân hàng không thể thực hiện được việc định giá theo hướng này”, báo cáo nêu nhận định.
Trên thực tế, trong điều kiện bình thường, với các khoản vay có mức rủi ro cao hơn ngân hàng sẽ áp lãi suất cao hơn. Song Thông tư 14 đã tạo ra sự khu biệt của mối quan hệ đó so với các khoản vay khác.
“Tuy Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định biện pháp trên chỉ áp dụng tạm thời, nhưng chúng tôi mong rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ gỡ bỏ biện pháp này trong thời gian sớm nhất”, nhóm công tác ngân hàng tại VBF khuyến nghị.
Cơ chế trần lãi suất nói trên cũng là một nội dung mà cử tri tỉnh An Giang đề nghị gỡ bỏ, theo tài liệu công bố tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 13 vừa qua.
Và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời cử tri rằng: “Việc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay tối đa đối với 4 lĩnh vực ưu tiên nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh đối với 4 lĩnh vực ưu tiên. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi trở lại, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ổn định bền vững…, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên này”.