Mới đây, CTCP Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2013 vào ngày 13/4 tới. Dù đang khai thác Khu công nghiệp Tam Phước và có trụ sở tại Đồng Nai, song TIP lại chọn Khu nghỉ dưỡng Bầu Trúc Resort, tại tỉnh Ninh Thuận làm nơi tổ chức Đại hội, khiến nhiều cổ đông của TIP phải nhíu mày.
Tuy nhiên, sau đó vài ngày, cổ đông đã thư thái hẳn khi biết TIP sẽ tổ chức xe đưa đón cổ đông đến tận nơi tổ chức Đại hội. Không những thế, TIP còn kết hợp việc tổ chức ĐHCĐ với một chuyến nghỉ mát 3 ngày để cổ đông ngoài việc thực hiện quyền làm chủ với DN, còn có dịp thư giãn, nghỉ ngơi.
Cổ đông nếu muốn có thể đưa cả người thân đi cùng với điều kiện phải trả chi phí cho người đi kèm, tuy nhiên đây là mức giá ưu đãi bởi Công ty đặt tour cho nhiều người. Dẫu biết rằng chi phí để tổ chức kỳ ĐHCĐ với chương trình là việc kết hợp vui chơi nói trên từ nguồn tiền của cổ đông, nhưng dù sao sự quan tâm, trọng thị này cũng khiến cổ đông vui vẻ.
Tất nhiên, đi kèm với chương trình ĐHCĐ “hấp dẫn” phải là kết quả kinh doanh khả quan của DN. Được biết, năm 2012, TIP đạt lợi nhuận trên 40 tỷ đồng trên vốn điều lệ 173,4 tỷ đồng. Công ty đã tạm ứng cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt tỷ lệ 12% và dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông trả thêm 8%. Mức cổ tức 20% không phải là quá cao, nhưng trong bối cảnh chung của thị trường thì đây là kết quả khiến cổ đông hài lòng.
Không ít doanh nhiệp tìm mọi cách ngăn chặn cổ đông tham dự đại hội cổ đông bằng nhiều cách.
Tuy nhiên, thực tế, không phải DN nào cũng có thiện ý với cổ đông như TIP. Không ít DN tìm mọi cách ngăn chặn cổ đông tham dự ĐHCĐ bằng nhiều cách.
Đơn cử như CTCP Xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao (Doveco) đưa ra quy định cổ đông sở hữu hoặc được ủy quyền hợp pháp ít nhất 15.000 cổ phần mới được tham dự Đại hội. Nhiều cổ đông của Doveco tỏ ra bức xúc bởi theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông là người sở hữu ít nhất 1 cổ phiếu và bất cứ cổ đông nào cũng có có quyền tham dự ĐHCĐ. Theo giải thích của Doveco thì Công ty có hơn 1.300 cổ đông, nếu cho tất cả cổ đông tham dự thì hội trường không có chỗ chứa, do đó phải hạn chế cổ đông.
Tại một DN khác là Tổng CTCP Thiết bị điện (Gelex) có vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng. Năm ngoái, Gelex “mời” cổ đông lên Tiên Du, Bắc Ninh dự ĐHCĐ nhằm “tiết kiệm chi phí tổ chức ĐHCĐ”. Điều đáng nói là tổng công ty này có trụ sở ở ngay tại trung tâm Hà Nội, với tổng diện tích lên tới gần 10.000 m2 và tự giới thiệu trên website: “Hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực khách sạn, cho thuê văn phòng... với nhiều vị trí đẹp, được các thương hiệu nổi tiếng thế giới sử dụng”; trong số đó có Khách sạn Melia Hà Nội mà Gelex tham gia liên doanh. Không chỉ thế, Gelex còn dự kiến: Năm nay, có thể cổ đông sẽ còn phải đi xa hơn, như Quảng Ninh chẳng hạn, nếu muốn tham dự ĐHCĐ.
Trước đó, tại ĐHCĐ thành lập Công ty vào cuối năm 2010, Gelex không cho hàng chục cổ đông vào dự họp với lý do không đăng ký tham dự, dù rằng nhiều cổ đông khẳng định họ đã gửi đăng ký tham dự qua fax, gửi bưu điện hoặc gửi tận trụ sở Gelex. Sau đó, Gelex cũng cho cổ đông vào dự họp, nhưng không cho biểu quyết. Đây cũng là chiêu bài mà nhiều công ty áp dụng, ví dụ như Doveco yêu cầu cổ đông phải đăng ký trước đại hội 7 ngày. Không đăng ký, không được vào.
Năm nay, ĐHCĐ của CTCP Nhựa Y (Mediplast) chưa diễn ra, nhưng còn nhớ, mùa đại hội trước, các cổ đông sử dụng thư mời và mẫu ủy quyền dowload từ website của Công ty (điều mà các DN khác vẫn cho phép) không được tham dự Đại hội. Lý do mà Ban tổ chức Đại hội đưa ra là các giấy tờ trên phải có dấu đỏ của Công ty mới hợp lệ.
Tháng 3 vừa qua, một DN niêm yết hàng đầu tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua việc chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Dù là DN có vốn hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng DN này lại “dẫn” cổ đông tới một trung tâm đào tạo cách xa trung tâm Hà Nội hàng chục km để tổ chức ĐHCĐ. Không được công ty tổ chức xe đưa đón, đương nhiên, nhiều cổ đông phải bỏ qua cơ hội thể hiện quyền làm chủ với DN. Vì vậy, Đại hội chỉ có sự tham dự của gần 100 cổ đông, trong tổng số hơn 20.000 cổ đông của công ty này.
Còn nhiều chiêu trò cười ra nước mắt khác mà các DN vẫn áp dụng để hạn chế cổ đông tham dự Đại hội, như không thông báo chính xác ngày ĐHCĐ hay kéo dài thời gian văn nghệ, thời gian đọc báo cáo, cố tính họp muộn để rút ngắn phần thảo luận, hoặc đẩy thời gian thảo luận sang buổi chiều khiến nhiều cổ đông mệt mỏi bỏ về…