Vì lợi ích của ai?
Một ngày sau phiên đấu thầu vàng, giá vàng miếng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng lên mức: 43,76 – 43,85 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra) cao hơn giá trúng thầu 40.000 đồng/lượng và cao hơn giá ngày 28/3 là 30.000 đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới tăng thêm 250.000 đồng/lượng so với ngày đấu thầu, lên 3,49 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Cty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam phân tích, với cách đấu thầu trên, NHNN trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trong phiên đấu thầu, NHNN định giá chủ yếu dựa theo giá thế giới nhưng với sự phòng ngừa rủi ro quá lớn.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, sau phiên đấu thầu đầu tiên, NHNN khẳng định chưa thể giải bài toán nguồn cung và chờ các phiên đấu thầu tiếp theo. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là NHNN đang đứng ra kinh doanh vàng và không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường.
“Từ giờ cho đến ngày 30-6 là hạn chót các tổ chức tín dụng phải tất toán vàng, giá vàng trong nước vẫn có thể còn chênh so với thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Không hiểu với cách điều hành này của cơ quan quản lý, thị trường vàng trong nước sẽ đi về đâu”, vị này nói.
Theo vị này, việc NHNN đưa ra mức giá cao như vậy cho thấy họ đang làm ngược với những gì đã tuyên bố trước đó là kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Hơn nữa sức mua thị trường yếu, giá sàn cao thì không ai dại gì bỏ ra một lượng tiền lớn để mua vào, trong khi giá thế giới đang có xu hướng giảm.
NHNN có nên kinh doanh vàng?
Trên thế giới, không có bất cứ một nước nào mà ngân hàng T.Ư lại nhúng tay trực tiếp vào kinh doanh vàng cả.
Trả lời trên website của NHNN ngày hôm qua, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, cho rằng mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Còn mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước với thế giới không được ông đề cập.
Theo Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng miền Bắc, NHNN chỉ nên tham gia ổn định thị trường chứ không nên tham gia bình ổn giá vàng.
“Ở đây NHNN đã quên vai trò điều hành, quản lý để đi kinh doanh. Không một doanh nghiệp nào thực hiện giao dịch hàng nghìn lượng vàng chỉ qua phỏng đoán trong phiên đấu thầu. Giá đấu do NHNN đặt ra nên cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của họ”, vị này nói.
Phiên đấu thầu vàng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gây ra hiệu ứng ngược
“Cách mà NHNN đang thực hiện với thị trường vàng miếng hiện nay Trung Quốc từng thử áp dụng nhưng rồi phải bỏ vì gây ra quá nhiều bất ổn. Giờ Trung Quốc họ đang quản lý thị trường vàng theo cơ chế thị trường còn của ta lại đang quản lý theo kiểu độc quyền. Trên thế giới, không có bất cứ một nước nào mà ngân hàng T.Ư lại nhúng tay trực tiếp vào kinh doanh vàng cả. Cũng không có một nước nào để tình trạng trên thị trường chỉ có một thương hiệu vàng duy nhất. Ở các nước bao giờ cũng có vài thương hiệu vàng của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn cùng tồn tại”, một cựu lãnh đạo cơ quan quản lý giá, Bộ Tài chính phân tích.
Còn TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, việc tham gia mở thầu là chưa có tiền lệ đối với một cơ quan chuyên điều hành vĩ mô như NHNN. “NHNN chỉ nên tham gia trực tiếp vào thị trường từ 1-3 năm, sau đó để cho thị trường tự vận hành, vì trên thế giới chưa có tiền lệ NHNN đóng vai trò là người mua bán vàng cuối cùng”, ông Hiếu nói.
Một chuyên gia kinh tế khẳng định, cuộc đấu giá vàng vừa qua đã gây hiệu ứng ngược, khi đẩy giá vàng trên thị trường tăng cao. “Nếu đưa giá thấp hơn là một nhẽ, đằng này lại gây kích động thị trường tăng giá. Ngay tại cuộc đấu giá cũng chỉ có 2 đơn vị mua hàng, nhằm tất toán trạng thái vàng của mình chứ không phải mục đích đầu tư”, vị này nói.